Hiểu một cách đơn giản nhất thì digital economy hay nền kinh tế số là một nền kinh tế được vận hành chủ yếu dựa trên các công nghệ kỹ thuật số.
Digital Economy là gì?
Có nhiều định nghĩa về kinh tế số. Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác kinh tế số của Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet.”
Kinh tế số đôi khi cũng được gọi là kinh tế internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hoặc kinh tế mạng (web economy).
Còn theo wikipedia, digital economy hay nền kinh tế kỹ thuật số bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để tạo cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Việc mở rộng các khu vực kỹ thuật số là một động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế những năm gần đầy, và việc chuyển hướng đến một số thế giới kỹ thuật số có nhiều tác động với xã hội được mở rộng hơn thay vì chỉ riêng công nghệ kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, theo D. Tapscott, khái niệm kinh tế số được khởi nguồn vào tháng 11 năm 1994 với sự kiện chíp Pentium – sản phẩm chiến lược của Intel – bị công bố có lỗi vào ngày 30/10/1994 và mãi tới ngày 20/12/1994, Intel mới thừa nhận lỗi được phát hiện.
Sự chậm hiểu về thị trường số và hạ thấp vấn đề đã đưa Intel tới một hậu quả đau đớn là phải thu hồi toàn bộ chíp Pentium của hãng.
D. Tapscott nhận định rằng câu chuyện về chíp Pentium đánh dấu một bước ngoặt kinh tế mới, theo đó thị trường số (digital markets) là khác biệt lớn so với thị trường truyền thống (physical markets) ở một số khía cạnh: mua sắm so sánh không có giới hạn, các công ty có sản phẩm thực sự khác biệt hoặc hiệu năng giá cả tốt hơn sẽ nhanh chóng nổi lên trên còn những công ty không có sẽ thất bại.
Trong các thị trường số, mọi doanh nghiệp đều đứng ở cùng một ngã tư đường.
Sự phát triển nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi của Internet vạn vật (IoT) vào kinh doanh kéo theo việc hình thành và phát triển tốc độ cao của các hoạt động kinh tế liên quan đã dẫn tới sự đa dạng và phong phú các định nghĩa về kinh tế số.
R. Bukht và R. Heeks tổng hợp 21 định nghĩa điển hình về kinh tế số, cho biết định nghĩa đầu tiên về kinh tế số xuất hiện từ năm 1999 và ngày càng có thêm các định nghĩa mới.
Các nhà nghiên cứu đồng thuận một nhận định là chưa có một định nghĩa được đồng thuận về kinh tế số.
Trên cơ sở nhìn nhận mối quan hệ giữa sự xuất hiện của công nghệ đột phá với sự phát triển lý thuyết kinh tế học và quản lý trong suốt quá trình tiến hóa công nghệ của loài người, X. Zhu cho rằng cộng đồng nghiên cứu về kinh tế số nên cố gắng tạo ra các đột phá nền tảng mới trong nghiên cứu lý thuyết về kinh tế học và quản lý để nắm bắt và phát triển kinh tế số.
Một số thông tin cơ bản về nền kinh tế số.
Ngoài ra còn có nhiều định nghĩa khác nữa về kinh tế số. Với sự lan tỏa của “số hóa” vào nền kinh tế thì việc phân định rạch ròi kinh tế số không đơn giản.
Tuy nhiên, có thể khái quát, kinh tế số bao gồm các hiện tượng mới nổi, như công nghệ chuỗi khối (blockchain), nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử (ví dụ như thương mại điện tử, các ngành truyền thống như sản xuất hoặc nông nghiệp có sử dụng công nghệ số hỗ trợ);
Các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông.
Ở Việt Nam, tại “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019”, nền kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới qui trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động.
Theo dự báo của tạp chí Forbes được thực hiện trong năm 2016, đến năm 2025, nền kinh tế số toàn cầu (global digital economy) có giá trị khoảng 23.000 tỷ USD, chiếm khoảng 24.3% nền kinh tế toàn cầu.
Còn tại các quốc gia ASEAN, giá trị này đạt khoảng 150 tỉ USD, tương đương 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia thành viên.